YẾU TỐ THEN CHỐT ĐỂ TĂNG XUẤT KHẨU TRÁI CÂY

YẾU TỐ THEN CHỐT ĐỂ TĂNG XUẤT KHẨU TRÁI CÂY

Ngày đăng: 10/04/2025

         Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là sầu riêng khi Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu, EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới lên 20%.

         Sản xuất theo chuỗi gắn với trách nhiệm các bên, cùng biện pháp giám sát, kiểm soát chất lượng chặt chẽ là yếu tố cốt lõi để rau quả Việt Nam tự tin vươn ra thế giới.

         Rau quả Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và khu vực trên thế giới, với các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia...

        Các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, RCEP, EVFTA, UKVFTA, ACFTA đã giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh khi thị trường thế giới có nhiều biến động, nhất là thị trường trọng điểm như Mỹ có những thay đổi về chính sách thuế.

         Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều chương trình giám sát dư lượng hóa chất tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm ngay từ gốc. Việt Nam thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghệ xử lý sau thu hoạch chậm thay đổi. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp; thiếu chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng.

         Ông Nguyễn Thanh Bình cũng chỉ ra rằng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng rau quả vẫn còn thiếu hoàn thiện, đặc biệt là đối với những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao như sầu riêng, thanh long, chuối... Việc cải thiện chất lượng và an toàn sản phẩm là điều cấp thiết. Đồng thời, việc nâng cao năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và hợp tác bền vững giữa các bên cũng cần được chú trọng. Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật của Vina T&T cho rằng, việc đảm bảo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố quan trọng để trái cây Việt có thể chinh phục các thị trường khó tính.

         Doanh nghiệp đã phát triển đội ngũ chuyên gia để hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đảm bảo sản phẩm sạch, đạt chuẩn quốc tế. Cùng với đó, việc sở hữu mã cơ sở đóng gói cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình xuất khẩu.

         Đặc biệt là hỗ trợ người sản xuất xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; đẩy nhanh việc cấp mã số để tăng năng lực xuất khẩu và xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về chất lượng rau quả; điều này sẽ giúp các bên có một "cơ sở" để cùng sản xuất, thu hoạch, chế biến. Đây cũng là tiền đề giúp Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao... tự tin tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường.

         Nông dân, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Trước hết nông dân trong quá trình tổ chức sản xuất, canh tác cần tuân thủ và cập nhật đúng các quy định của thị trường về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nông dân cần tích cực chuyển đổi sang hướng canh tác hữu cơ, sử dụng các hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường. Các doanh nghiệp cùng đồng hành trong đồng quản lý chất lượng sản phẩm.

         Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung nhấn mạnh rau quả hay nông sản nói chung, người dân, doanh nghiệp xuất khẩu tuyệt đối không sử dụng các hóa chất bị cấm hoặc để mức dư lượng tối đa cho phép vượt ngưỡng theo quy định của nước nhập khẩu.

         Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chỉ đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xây dựng và triển khai các chương trình giám sát dư lượng các hóa chất tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm ngay từ gốc, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

    Theo báo TTXVN/Vietnam+

    Zalo
    Hotline