VAI TRÒ CỦA SILIC ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG
Vai trò của Silic đối với cây trồng
Silic (Si) tồn tại dưới dạng silica (SiO2) vô định hình ở tế bào. Silic góp phần tạo nên độ cứng, sự đàn hồi cho thành tế bào thực vật.
Tăng cường quang hợp: Si giúp lá cây đứng thẳng và nhận ánh sáng tốt hơn, thúc đẩy quá trình quang hợp hiệu quả. Cải thiện sự sinh trưởng của lá, lá trở nên xanh và to hơn, từ đó tăng cường sản xuất diệp lục. Silic giúp tăng năng suất cây trồng.
Cứng cây, chống đổ ngã: Silic tích tụ trong mô biểu bì và vách tế bào của cây, kết hợp với các hợp chất pectin và lignin giúp củng cố thành tế bào cây trồng, tạo ra các vách tế bào bền vững và giảm sự đổ ngã của cây, đặc biệt trong điều kiện gió mạnh, mưa bão.
Silic hình thành một lớp cứng bảo vệ bề mặt tế bào, làm giảm khả năng thoát nước qua các lớp biểu bì. Si giúp cây tăng cường sức đề kháng với các điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, nắng nóng, đất phèn, giúp cây chống lại sự mất nước
Silic giúp điều chỉnh sự vận chuyển và tăng cường khả năng hấp thu khoáng trong cây: Làm giảm sự hấp thu các ion độc hại như Na+, tăng cường khả năng hấp thu K+. Ca2+, Mg2+, Silic góp phần phát triển cây mạnh mẽ, hấp thu dinh dưỡng hiệu quả hơn.
Silic có khả năng tương tác với các chất dinh dưỡng trong đất, chuyển hóa dinh dưỡng khó tiêu thành dễ hấp thu, làm giảm độc tính của Fe, Mn, Al, giúp cải thiện khả năng sử dụng phân bón của cây trồng và giảm sự lãng phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp
Cải thiện khả năng chống stress sinh lý: Silic có khả năng tăng tích lũy protein và enzyme trong cây, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ các yếu tố ngoại cảnh và tăng khả năng phục hồi sau khi bị stress. Sử dụng Silic giúp cây tăng cường khả năng kháng bệnh, giảm thiệt hại từ các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn.
Giảm thiệt hại do mặn: Silic giúp cây khắc phục tình trạng thiếu nước và muối, tăng cường khả năng chịu hạn và mặn thông qua việc điều chỉnh sự phân bổ protein trong lá cây.
Thiếu silic: thường không biểu hiện rõ ràng trên đa số các nhóm cây trồng, thường biểu hiện ở các nhóm cây tích trữ nhiều silic như lúa. Thiếu silic cây yếu, dễ đổ ngã, khả năng chống chịu kém, lá mềm, rũ xuống, giảm năng suất và chất lượng hạt.
Thừa silic: thường không có biểu hiện cụ thể. Tuy nhiên, khi rối loạn dinh dưỡng sự thừa silic có thể dẫn đến những biểu hiện gián tiếp hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề khác. Giảm sự hấp thu và tích lũy lân trong cây khi có sự dư thừa quá mức. Tuy nhiên, ở nồng độ thích hợp silic lại giúp giải phóng lân khó tiêu.