ABSCISIC - CHẤT ỨC CHẾ SINH TRƯỞNG (KỲ 5)
Abscisic acid (ABA) thuộc nhóm chất ức chế sinh trưởng, được tổng hợp chủ yếu ở lá, đầu bao rễ và trong cơ quan sinh sản, trong hạt nảy mầm.
ABA được tổng hợp nhiều trong giai đoạn cây trải qua điều kiện bất lợi.
ABA được vận chuyển bằng mạch gỗ và mạch rây, tuy nhiên ABA được vận chuyển chủ yếu ở mạch rây.
Vai trò Abscisic acid
- ABA được coi là hormone “stress”: khi cây gặp điều kiện môi trường bất lợi thì hàm lượng ABA tăng mạnh nhằm điều khiển các phản ứng thích nghi với điều kiện bất lợi
- ABA kích thích sự đóng lỗ khí khổng trong điều kiện khô hạn: Trong điều kiện khô hạn, hàm lượng ABA trong lá tăng cao do quá trình tăng sinh tổng hợp và tăng vận chuyển ABA từ các nơi khác về dẫn đến việc đóng lỗ khí khổng nhanh chóng để hạn chế mất nước.
- Ở điều kiện thiếu nước, ABA kích thích sự phát triển của rễ và ức chế sự phát triển của chồi
- ABA điều khiển quá trình vận chuyển muối khi cây sống trong điều kiện stress mặn: trong điều kiện mặn ABA được tổng hợp nhanh chóng làm tăng hàm lượng Ca2+ và ion này truyền tín hiệu giúp quá trình vận chuyển Na+ ra khỏi rễ, làm giảm áp suất thẩm thấu ở rễ, giúp cây chống chịu mặn
- ABA kích thích sự rụng quả: Cùng với Ethylen, ABA kích thích sự hình thành tầng rời gây nên sự rụng. Khi có tác nhân cảm ứng sự rụng như nhiệt độ quá cao hay quá thấp, úng, hạn, sâu bệnh...thì hàm lượng ABA trong lá, quả tăng lên nhanh gây nên sự rụng lá, quả
- ABA kích thích sự ngủ nghỉ: trong cơ quan đang ngủ nghỉ, hàm lượng ABA tăng gấp 10 lần so với cơ quan dinh dưỡng nên ức chế sự nảy mầm. Sự ngủ nghỉ kéo dài cho tới khi nào hàm lượng ABA giảm xuống đến mức tối thiểu.
- ABA kích thích sự hóa già: khi hình thành cơ quan sinh sản và dự trữ là lúc ABA được tổng hợp nhiều nhất và tốc độ hóa già cũng tăng lên.